27 thg 2, 2013

- Thứ Tư, tháng 2 27, 2013 -    No comments

Chẳng biết tự bao giờ người Việt lại đâm ra tín mấy cái tục mua bán vận may. Người ta sẵn sàng giẫm đạp lên nhau đến ngạt thở ngất xỉu để xin một lá ấn, hay chiếc vỏ bao lì xì in hình phật bà lấy may. Trước đây những tục lệ này chỉ mang tính tâm linh, thì nay nó đã được cụ thể hóa bằng chuyện tiền bạc.
Sẵn sàng bỏ vài trăm nghìn đồng đổi phong bao in hình Thánh Mẫu mong gặp nhiều may mắn.
Mua quan bán chức ngay từ trong tiềm thức

Theo sử sách thì năm xưa vua quan nhà Trần có mở lễ khai ấn và phát ấn, nhưng ấn chỉ được đóng vào thời khắc nhất định với số lượng được định sẵn để ban cho những người có công với đất nước như một hình thức ghi công khen thưởng. Và rồi tục phát ấn cũng được dân gian lưu truyền trong lễ hội đền thờ tướng Trần. Nếu như trước đây, lễ phát ấn được thực hiện một cách tôn nghiêm như một nét văn hóa truyền thống thì giờ đây nó lại biến tướng đến mức trở thành hình ảnh chướng tai.

Chẳng biết căn cứ vào đâu mà Đền Trần lại được lưu danh là ngôi đền thiêng cho những người có hướng đến quan lộ. Vậy nên năm qua ngày đến, người ta cứ nườm nượp đồ về đền những mong được thăng quan tiến chức, du khách. Rồi thì ấn phát ra không đủ nhu cầu, ban tổ chức lại có ưu tiên phát ấn cho người có cung tiến tùy tâm. Lượng ấn mỗi năm lại tăng lên, số tiền thu về theo đó cũng nhiều hơn, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Cảnh người chen chúc, xô đẩy, thậm chí là giẫm đạp đến ngất xỉu, rồi thì đánh nhau, trộm cắp diễn ra tùm lum. Tỉnh Nam Định đã nhiều lần chấn chỉnh như lập hàng rào, rồi thì hạn chế ấn phát ra. Nhưng càng hạn chế thì nhu cầu lại càng cao, vẫn là xếp hàng xí chỗ, vẫn là chen chúc, vẫn là xô đẩy. Những cánh tay cố vươn dài để dúi tiền qua khe rào những mong  lấy được ấn trước người. Những ai không có khả năng chen lấn, hay có điều kiện tài chính thì mua lại của “dân nậu”. Vậy nên chẳng biết “điềm may” ấy sẽ vận vào ai, người xin được hay người mua.

Việc “mua ấn” đã thể hiện rất rõ trong quan niệm của những người “có ấn là có lộc” để thăng quan, tiến chức. Điều này càng được minh chứng rõ hơn khi dòng xe hơi đến xin lộc ngày càng đông và trong đó không ít xe mang biển số xanh. Thế nhưng buồn rằng ấn chẳng còn mang giá trị ghi công mà nhuốm màu thương mại. Ngẫm lại mới thấy, phát hành hàng nghìn phiếu ấn như vậy, chắc ban tổ chức cũng phải đóng ấn từ nhiều giờ trước đó cho đủ số lượng, vậy thì thời khắc đóng ấn đâu còn giá trị linh thiêng. Thậm chí có nguồn tin còn tiết lộ rằng chiều ngày 14 tháng giêng, ấn đã được phát công khai tại trụ sở một cơ quan hành chính của TP.Nam Định, dù đêm 14 mới là thời khắc khai ấn theo truyền thống.

Sự lộn xộn trong tổ chức cũng như sự biến tướng trong lễ hội ngày càng nghiêm trọng nên đã có nhiều đề xuất ngừng tổ chức phát ấn. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định vẫn cố giữ lại sự kiện này. Bởi theo tỉnh đây là một sự kiện văn hóa danh giá của địa phương cần lưu giữ và nó cũng góp phần phát triển du lịch, kinh tế cho tỉnh nhà. Quả thật, nhìn qua cũng có thể thấy Đền Trần đã đem lại nhiều khoản thu và lợi ích cho Nam Định cũng như địa phương. Vậy nên việc cố giữ cũng không có gì khó hiểu.
Tranh nhau “mua” ấn Đền Trần.

Cầu may trong cuồng tín

Ngoài Bắc có chuyện mua “ấn” cầu quan, còn trong Nam lại có cảnh mua bao lì xì lấy may. Với tâm niệm đồ nhà Phật luôn đem lại may mắn, nên người hành hương thường xin chút lộc tại chùa. Chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một, Bình Dương) được đồn rằng rất linh thiêng, nên không chỉ đến lễ cầu xin mà khách lễ còn cố xin chút lộc từ cành vàng lá ngọc đến bùa, xăm… Đặc biệt năm nay chùa còn có dịch vụ đổi bao lì xì lấy may. Ban quản lý in sẵn hàng nghìn phong bao lì xì có in hình Thánh Mẫu trên đó và người nào có nhu cầu thì đến đổi bao với chút tiền hảo tâm. Nhưng số tiền đáng lẽ chỉ mang tính tượng trưng thì giờ nó là tiền trăm, thậm chí tiền triệu. Mỗi ngày chùa phát ra vài trăm phong bao nhẩm tính cũng đủ thấy số tiền thu về được chừng nào. Chưa kể chùa còn để sẵn vài thùng sắt để hứng tiền của khách hành hàng hương công đức.

Không chỉ xin ấn, xin bao hình Thánh Mẫu mà ở hầu hết các lễ hội được tiếng là thiêng cũng diễn ra cảnh chen lấn, tranh cướp. Nào là cướp chiếu mong con trai, cướp phết lấy may, hay mua bán lộc thánh… Tất cả những lễ này giờ đã bị biến dạng cả về ý nghĩa và quy mô. Các tục lệ đã bóp méo, thậm chí bịa đặt và không thể loại trừ việc thương mại hóa cũng đã trở thành mục đích chính của các lễ hội.

Lý giải cho việc mê muội tín vào sự may mắn vô hình thì chỉ có thể hiểu là do sự bất an trong xã hội đầy rẫy cạm bẫy và hiểm nguy hoặc tâm lý hối lỗi khi làm một việc không quang minh khiến người ta càng phải tìm đến thánh thần làm chỗ dựa... Tin tưởng thái quá vào những phiếu bùa may mắn cũng có thể vì những tham vọng quá lớn. Cứ thế cái vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn, ngày càng phức tạp và... thật tội nghiệp!

Hà Linh 
Chia sẻ bài viết:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét