14 thg 5, 2015

- Thứ Năm, tháng 5 14, 2015 -    No comments

Đời sống kinh tế dư giả khiến một lượng lớn người dân Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài. Song, lối cư xử bị coi là thiếu văn hóa và đầy bạo lực của du khách Trung Quốc lại đang bị nhiều nước lên án.

Vì sao dân Trung Quốc bị cả thế giới xua đuổi?
Tân Hoa Xã dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) cho biết tính đến tháng 11/2014, khoảng 100 triệu du khách Trung Quốc đã đi ra nước ngoài trong năm. Trong đó, khoảng 85,4 triệu du khách Trung Quốc đến các nước châu Á, phần còn lại đi du lịch tới châu Âu và châu Phi.
Còn theo khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách Trung Quốc đã vượt qua người dân Mỹ và Đức trở thành những người mạnh tay chi tiền nhất thế giới vào năm 2013. Theo đó, du khách Trung Quốc đã chi 128,6 tỷ USD; Mỹ là 104,7 tỷ USD và Đức là 91,4 tỷ USD. Trong năm 2014, du khách Trung Quốc tiếp tục là đối tượng chi đậm nhất.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định: “Du khách Trung Quốc là những người có tiền nhưng lại thiếu văn minh”. Bởi trong thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc và quốc tế đã liên tục cho đăng tải những thông tin về việc du khách Trung Quốc ứng xử vô văn hóa, đã lưu lại ấn tượng rất xấu trong mắt cộng đồng quốc tế. Điển hình, nhiều vụ việc "xấu xí" liên quan tới lối hành xử của du khách Trung Quốc ở nước ngoài đã bị phanh phui.

Hong Kong cấm cửa du khách Trung Quốc

Ở Hong Kong, làn sóng phản đối du khách Trung Quốc tăng cao đột biến sau vụ việc một cặp vợ chồng người Trung Quốc cho cậu con trai 2 tuổi “phóng uế” ngay trên đường phố Hong Kong.

Mới đây, Channel New Asia đưa tin, người dân Hong Kong còn tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối du khách Trung Quốc đổ xô tới đặc khu mua sắm, ve vớt khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày.

Thậm chí, tại quận Yuen Long, cảnh sát Hong Kong đã buộc phải tiến hành bắt giữ 38 người và dùng hơi cay để giải tán đám đông tụ trước cửa một trung tâm mua sắm phản đối du khách Trung Quốc.

Các mặt hàng như sữa bột trẻ em, mỹ phẩm, dược phẩm và hàng hóa cao cấp là những sản phẩm yêu thích và được nhiều người Trung Quốc tìm mua nhiều nhất khi đặt chân tới Hong Kong.

Hàn Quốc lo dân Trung Quốc "xâm lăng"

Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul, do đó, không ít người dân Hàn Quốc lo sợ trong tương lai, Trung Quốc sẽ có tiếng nói trong mọi chính sách của nước này. Bởi trong số 6,1 triệu du khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc vào năm ngoái, gần một nửa trong số đó tới đảo Jeju, tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

Ở đảo Jeju, những người bán đất cho dân Trung Quốc còn bị gọi là "kẻ phản bội đất nước". Thậm chí, nhiều khách sạn đã phải đặt biển thông báo ở bên ngoài rằng họ không liên quan gì đến Trung Quốc.

Động thái quyết liệt của Trung Quốc nhằm kiểm soát những vùng biển gần đảo Jeju cũng khiến nhiều người Hàn Quốc lo ngại. Một số người còn cho rằng Bắc Kinh sẽ chia rẽ Seoul và Washington, một đối tác an ninh quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Bên cạnh những cáo buộc liên quan tới việc các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc “xâm lấn” đất Hàn Quốc, giới truyền thông Hàn Quốc còn nhận định rằng, hầu hết du khách Trung Quốc không chỉ coi thường và vi phạm một số tập tục xã hội của Hàn Quốc mà còn thường chỉ lưu trú, ăn và đi mua sắm trong khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm do người Trung Quốc làm chủ.

Trong một cuộc khảo sát 1.000 người dân đảo năm 2014, 68% cho biết số lượng du khách Trung Quốc ngày càng tăng không hề đóng góp gì cho sự phát triển của đảo Jeju.

Kim Hong-gu, một doanh nhân Jeju, phàn nàn về việc người Trung Quốc tranh cãi và hút thuốc trên đường phố. Ông Kim cho rằng Trung Quốc đang dùng tiền của mình để biến Jeju thành một “khu phố của người Tàu”.

Hành xử thiếu văn minh tại Thái Lan

Hôm 5/2, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin, cư dân mạng nước này lan truyền thông tin Chùa Trắng (Wat Rong Khun) ở Thái Lan đã từ chối tiếp đón du khách Trung Quốc.

Đại diện Chùa Trắng đã trả lời truyền thông cho biết, sáng 3/2, chùa này đã cấm du khách Trung Quốc vào bên trong, nguyên nhân do một số khách Trung Quốc có hành vi không văn minh khi sử dụng nhà vệ sinh. Như việc một số người Trung Quốc đã đi đại tiện vào bồn tiểu tiện, sử dụng lãng phí giấy vệ sinh và vứt băng vệ sinh trên sàn.

Theo Nhân dân Nhật báo, trụ trì Chùa Trắng đã rất tức giận đối với những hành vi trên và cấm khách Trung Quốc vào chùa.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 3/2, chùa này đã mở cửa đón khách Trung Quốc trở lại, nhưng yêu cầu hướng dẫn viên phải tháp tùng khách của mình khi họ vào nhà vệ sinh. Nhà chùa cũng cảnh cáo, nếu những người Trung Quốc còn tái diễn những hành vi thiếu văn minh thì chính hướng dẫn viên sẽ bị phạt lau dọn nhà vệ sinh.

Còn theo báo Direct Matin, những người phụ trách quản lý Chùa Trắng còn dự tính xây thêm nhà vệ sinh dành riêng cho du khách Trung Quốc.

Hôm 28/2, một người phụ trách của chùa than vãn về chuyện hành xử mất vệ sinh của du khách nói tiếng Trung: “Họ phóng uế cả trên sàn nhà vệ sinh, tiểu tiện ở tường bên ngoài nhà vệ sinh và dùng giấy vệ sinh xong thì vứt bừa bãi”.

Theo người này, mỗi khi có đoàn người Trung Quốc đến thăm chùa thì những du khách khác không thể dùng tiếp được nhà vệ sinh, do đó, nhà chùa dự tính xây nhà vệ sinh riêng biệt cho du khách Trung Quốc.

Dù là nguồn khách lớn ở Thái Lan với khoảng 4,62 triệu ghé thăm mỗi năm, nhưng du khách Trung Quốc đã gây người dân bản địa không ít lần phải than phiền.

Hồi cuối tháng Hai, theo Daily Mail, các trang mạng của Thái Lan đã lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt một đoạn video quay cảnh một công dân Trung Quốc dùng chân để đá vào dàn chuông thiêng ở chùa Wat Phra That Doi Suthep, gần Chiang Mai, rồi cười lớn trước khi quay đi.

Hành vi bất kính đó khiến người dân Thái vô cùng phẫn nộ và cảnh sát khẳng định họ sẽ truy lùng vị du khách này để trừng phạt.

Thậm chí, giới quản lý du lịch Thái Lan đã cho phát hành cuốn cẩm nang “Hướng dẫn ứng xử đúng mực” dành cho du khách Trung Quốc khi họ đến thăm đất nước này.

Trước đó, vào tháng 12/2014, báo chí quốc tế một lần nữa lên tiếng sau vụ việc một nhóm 4 hành khách Trung Quốc hắt bát mỳ nóng vào tiếp viên hàng không người Thái Lan chỉ vì không được ngồi cạnh nhau. Thậm chí, một người đàn ông trong nhóm còn lớn tiếng đe dọa sẽ đánh bom chuyến bay. Sau đó, CNTA đã đưa 4 người này vào “danh sách đen” bị cấm đi ra nước ngoài.

Người dân Nhật tránh gặp du khách Trung Quốc

Trang Phượng Hoàng đưa tin, hôm 10/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi người dân nước này "không nên cậy có tiền mà làm bừa, hay do không biết mà hành xử không có giới hạn". Song dường như lời kêu gọi này không đem lại hiệu quả, khi trong dịp Tết âm lịch vừa qua, những hành vi kém văn minh của du khách Trung Quốc vẫn tái diễn.

Điển hình, mới đây, một đài truyền hình Nhật Bản đã ghi lại hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc cho con mình đi tiểu ngay trước trung tâm thương mại ở khu Ginza, Tokyo.

Điều đáng nói, khi bị phát hiện, người phụ nữ Trung Quốc còn ngay lập tức giơ chiếc túi ni-lon ra và cãi rằng cô đã cho con trai tiểu vào đó, chứ không "đi bậy" ra mặt đường. Người này cũng kiên quyết không thừa nhận hành vi của mình là thiếu văn hóa.

Ngay cả khi đi vào các trung tâm thương mại tại Nhật Bản, du khách Trung Quốc còn bị tố  không chịu tuân thủ quy định và thường xuyên bóc mở thực phẩm trong siêu thị trước khi trả tiền. Đỉnh điểm, nhiều người Nhật Bản còn không muốn tới những khu vui chơi "tràn ngập du khách Trung Quốc".

Cư dân mạng Trung Quốc đã phải lên tiếng hối thúc người dân nước mình khi đi du lịch cần "nhập gia tùy tục và không thể tiểu bậy trên khắp thế giới được".

Vẽ bậy lên khu di tích Ai Cập

Hồi năm 2013, cha mẹ của một thiếu niên 14 tuổi ở Trung Quốc đã phải lên tiếng xin lỗi khi con trai họ bị cư dân mạng lên án vì hành động vẽ bậy lên di tích tại một ngôi đền cổ đại 3.500 tuổi ở Luxor, Ai Cập.

Vụ việc này xuất hiện chỉ sau ít ngày Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Uông Dương cho rằng “hành vi thiếu văn minh” của một số du khách Trung Quốc đang làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia.

Họ gây ồn ào ở nơi công cộng, khắc tên mình lên di tích lịch sử, vượt đèn đỏ và khạc nhổ ở mọi nơi. Những hành động ấy đang làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc và gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, ông Uông Dương nhấn mạnh.

Tiếc tiền đi vệ sinh bậy ở châu Âu


Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một hướng dẫn viên du lịch mang tên Linda Li kể về câu chuyện một đoàn xe chở khách du lịch Trung Quốc dừng chân tại trạm nghỉ trên đường cao tốc ở Frankfurt, Đức. Khi cô thông báo phí đi nhà vệ sinh công cộng là 0,5 nhân dân tệ, hầu hết du khách Trung Quốc đều phản đối dữ dội. Thậm chí, nhiều nam du khách đã tiểu tiện ngay ngoài trời hoặc chấp nhận nhịn đi vệ sinh.

Cô Li nói: “Tôi đã bị choáng. Nhiều người ăn mặc bảnh bao, giàu có cũng không chịu bỏ 0,5 nhân dân tệ để đi vệ sinh. Trong khi họ có thể chi hàng ngàn euro để mua một chiếc đồng hồ hàng hiệu Vacheon Constantin”.

Trong chuyến thăm tới Maldives hồi tháng 9/2014, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi người dân Trung Quốc hành xử đúng mực khi đi ra nước ngoài. “Đừng vứt chai nước khắp nơi. Đừng phá hoại san hô. Hãy ăn ít mì thôi và thưởng thức ẩm thực địa phương”, ông Tập nhấn mạnh.

Song, theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành du lịch Trung Quốc, việc CNTA phát hành cuốn cẩm nang hướng dẫn cách cư xử cho công dân nước mình khi ở nước ngoài hay lời kêu gọi của ông Tập sẽ hoàn toàn vô tác dụng. Bởi những người thiếu văn minh thì vẫn sẽ hành xử bậy bạ, còn người hiểu biết thì luôn đúng mực.

Tạp chí The Diplomat cho rằng trên thực tế, du khách của nhiều nước cũng ứng xử thiếu văn minh. Nhưng với việc chính quyền Trung Quốc bành trướng tuyên bố chủ quyền ở nhiều khu vực đặc biệt tại châu Á, đã khiến du khách nước này đi đâu cũng bị chú ý.

Tuy nhiên, hướng dẫn viên Li nhấn mạnh lối hành xử không đúng mực của du khách Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân ngành du lịch Trung Quốc mới chỉ chăm chăm kiếm tiền mà không hướng tới giáo dục cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường như các nước phương Tây. Nói cách khác, du khách Trung Quốc cần phải học cách ứng xử tử tế, thân thiện với môi trường ngay từ khi ở nước nhà.

Bởi theo tờ Phượng Hoàng, ngay tại các ga tàu hỏa đông đúc ở thủ đô Bắc Kinh, những hành vi thiếu văn hóa của người dân vẫn thường xuyên xuất hiện. Khi mà, hình ảnh người lớn cho trẻ nhỏ đi tiểu ngay ra đường đã trở thành việc thường ngày đến mức các nhân viên vệ sinh không thèm nhắc nhở.

19 thg 3, 2015

- Thứ Năm, tháng 3 19, 2015 -    No comments

Có lần, vào giờ nghỉ trưa ở trường học, một anh bạn Đài Loan chia sẻ với tôi rằng, anh không hiểu sao phụ nữ Việt Nam lại mê mấy ông nông dân ở nước anh như vậy.

Canh bạc hôn nhân nguy hiểm của phụ nữ Việt Nam
Những dòng quảng cáo này tràn ngập ở các vùng thôn quê
Khi phong trào lấy chồng Đài Loan rộ lên ở quê tôi, tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng ánh mắt u sầu của những cô dâu (và đôi khi của cả cha mẹ cô dâu) - trong ngày được xem là vui nhất của đời người - đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Người ta đổ lỗi cho cái nghèo nên đành nhắm mắt đưa chân, đặt một canh bạc may rủi cho đời mình.

Những gì tốt đẹp thường được phô ra nên mỗi lần các cô gái lấy chồng ngoại về quê, làng xóm thường chứng kiến cảnh gia đình, họ hàng các cô được trang bị xe cộ đắt tiền, điện thoại đời mới, hoặc có khi cả một căn nhà mới xây khang trang... Những thứ hào nhoáng ấy càng làm cho nhiều người thèm muốn và thúc giục những cô gái độc thân tiếp bước theo. Mấy ai thấy được cảnh những cô dâu Việt bị vắt kiệt sức ở xứ người, nước mắt chan cơm, và những tháng ngày cô độc không ai san sẻ? Trong đó có rất nhiều trường hợp không có đủ tiền về thăm nhà, thậm chí không có cơ hội trở về nữa.

Một anh bạn tôi là luật sư ở Hàn Quốc thường gặp những trường hợp vợ Việt lấy chồng Hàn nhiều năm, sinh con và chu toàn nhiều thứ cho gia đình nhưng vợ chồng lục đục bởi chồng không chịu ký tên cho vợ nhập quốc tịch vì sợ sau đó vợ sẽ bỏ đi, như nhiều trường hợp đã xảy ra ở nước này. Những cuộc hôn nhân được quyết định chóng vánh không xuất phát từ tình yêu và mong muốn xây dựng gia đình thực sự, và những cô gái lấy chồng xuất phát từ sự toan tính trục lợi từ hôn nhân thường dẫn đến những kết thúc đầy bi kịch, cho một hoặc cả hai bên.

Không chỉ những cô gái xuất thân nghèo khó, ít học mới mong đổi đời nhờ chồng ngoại. Một số phụ huynh và học sinh ban đầu thường liên hệ với tôi để nhờ tư vấn du học, nhưng rất nhanh sau đó liền bày tỏ thẳng thừng liệu con gái họ có thể lấy chồng bản xứ để có cơ hội định cư nước ngoài hay không. Dù có cố giải thích visa sinh viên không dành cho những đối tượng có mục đích kết hôn để định cư, tôi biết khó mà lay chuyển ý định của họ. Tôi đã gặp không ít trường hợp các em gái đi du học nghĩ rằng cứ có bầu với người bản xứ thì sẽ được định cư. Mới đây, vị giám đốc quan hệ quốc tế một trường đại học danh tiếng ở Melbourne than thở với tôi rằng ông và các đồng nghiệp rất đau đầu vì học kỳ vừa rồi có đến vài chục du học sinh nữ vừa nhập học vài tháng đã vác bụng bầu đến xin nghỉ học. Tôi phải nhấn mạnh rằng đầu vào tuyển sinh của trường này thuộc hàng top Australia, vì vậy học lực của những du học sinh kia chắc chắn không phải thuộc loại làng nhàng. Nhưng họ đã không nhận rõ được rằng giá trị và tương lai của bản thân mình xứng đáng rất nhiều hơn thế.

Có lẽ tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nhiều người, nên hễ cứ nghe cái gì có liên quan đến “nước ngoài” là họ mặc nhiên cho rằng nó tốt hơn “trong nước”. Tôi không nghĩ vậy. Không phải cứ là đàn ông nước ngoài thì hay hơn đàn ông trong nước, và ngược lại. Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc và ai cũng xứng đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng tôi tin hạnh phúc không phải là một canh bạc rủi, may nhất là khi hôn nhân dựa trên những toan tính đổi đời.

HUỲNH THỊ NGỌC HÂN (VNEXPRESS)

12 thg 3, 2015

- Thứ Năm, tháng 3 12, 2015 -    No comments

Bản chất của tâm lý đám đông là gì là điều mà các nhà khoa học, tâm lý học còn nghiên cứu nhiều. Nhưng ở một đất nước mà người ta có thói quen “nghĩ bụng” thì hành xử theo tâm lý đám đông không có gì lạ. Nghĩ bằng đầu, bằng trí óc chứ có ai “nghĩ bụng” đâu.

1. Ngành giáo dục một phen rúng động với clip các em học sinh lớp 7 đánh một bạn cùng lớp. Dù xã hội ta chẳng lạ gì với những clip bạo lực học đường nhưng vẫn rúng động bởi mức độ tàn bạo của nó. Những đứa trẻ 12 tuổi như những con thú man rợ đang xông vào cắn xé một đồng loại không được ai bảo vệ.

Nhưng điều đáng lo hơn là nó diễn ra khi có nhiều học sinh khác qua lại trong lớp hoặc ở ngoài cửa sổ. Nó diễn ra trước sự im lặng đáng sợ của các em. Các em đứng xem nhưng không ai lên tiếng can ngăn.

Tôi không nghĩ các em vô cảm, nhưng chắc hẳn khi đó tâm lý sợ hãi của các em ngự trị. Trong xã hội nào cũng thế, cái ác không phải là số nhiều. Nhưng nó sẽ được nhân lên nếu như lòng dũng cảm đi vắng và tâm lý sợ hãi lên ngôi. Đáng tiếc, tâm lý sợ hãi này lại là của đám đông.

2. Tâm lý của đám đông còn phổ biến hơn với hàng loạt lễ hội mở ra dày đặc trong một thời gian ngắn, tổ chức ngày càng hoành tráng làm sống lại tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Nhiều lễ hội đã không còn giữ đúng lễ nghĩa đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách và hẳn nhiên như thế nó không đủ tầm để đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội mà có lẽ nó đáp ứng điều khác: tâm lý đám đông.

Những lễ hội có các hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây mang tính biểu trưng văn hóa thì nay lại mang tính thực dụng. Việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may, đốt tiền vàng mã, nhét tiền “hối lộ” vào tay tượng Phật… Phần đông dù chẳng biết đúng sai thế nào, thấy đám đông làm nên lờ mờ rằng đó là điều cần thiết mình cũng phải làm theo. Đáng tiếc, tâm lý vụ lợi này lại cũng của đám đông.

3. Nhưng trong xã hội hiện nay, người ta dựa nhiều vào tâm lý đám đông, có lẽ khi tham gia giao thông là biểu hiện rõ nhất. Cứ nhìn đám đông ùn ứ trên đường sẽ thấy suy nghĩ “mình phóng lên trước, thằng kia chắc không dám lên”. Và khi hai người có tâm lý  giống nhau, hoặc tắc đường, hoặc tai nạn sẽ xảy đến.

Không ở đâu như ở ta, tại nhiều ngã tư, việc dừng xe trước đèn đỏ lại là việc nguy hiểm nếu không có bóng dáng cảnh sát. Khi đó, hoặc ăn chửi, hoặc bị tông xe từ phía sau. Còn giảm tốc trước đèn vàng và dừng lại ở những giây đầu tiên của đèn đỏ lại là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Bản thân tôi mỗi lần quyết định làm điều đó cũng phải ngoái đầu ra sau để chắc chắn rằng không có xe to, nhất là xe buýt trên đà lao tới, mới dám dừng xe theo… luật.

Nhiều người mang tâm lý rằng nếu mình là người đầu tiên “tiếp cận” với đèn đỏ ở ngã tư có thể dính hậu quả. Vì thế cố tăng ga và những người sau sẽ cùng mình vượt lên và đều êm thấm và tâm lý này đã chiến thắng.

Không làm theo lời sai vặt, nữ sinh Trà Vinh bị lớp trưởng cho là "láo" rồi gọi 7 bạn đánh ngay tại lớp.



9 thg 3, 2015

- Thứ Hai, tháng 3 09, 2015 -    No comments

Đà Nẵng, thành phố tôi yêu, yêu suốt cuộc đời, như tôi yêu người thương yêu nhất”. 


Băng qua những con đường lạnh lẽo thấm đượm hơi thở của mùa đông Hà Nội, bất chợt giai điệu quê hương lại ngân vang, nhen nhóm thứ cảm xúc nhớ nhung đến lạ…Tôi yêu Đà Nẵng!
Đà Nẵng, một tình yêu trong tôi
Đà Nẵng là “thành phố đứng đầu ngọn gió”. 
Tôi bén duyên với thành phố biển vào một chiều cuối đông nắng nhẹ. Ngày ấy, tôi theo bà ngoại vào Đà Nẵng đoàn tụ với gia đình. Hôm lên chuyến tàu vào Nam, trời mưa rả rích, cái rét cắt da cắt thịt đặc trưng của miền Bắc khiến mọi người trên tàu đều run rẩy. Tàu cập ga Đà Nẵng, mọi người vui vẻ cởi bỏ khăn áo xuống ga, tiếng nói cười rôm rả. Tôi bé nhất lại ốm yếu nên được một chú ẵm ra bắt xích lô. Làn gió nhè nhẹ thổi, chú cởi chiếc áo khoác ngoài phủ lên người tôi. “Khỏi sợ đau rồi nghe bé, vô trong ni là ấm rồi”. Đó là những thanh âm đầu tiên của đất Quảng lưu lại trong ký ức lần đầu đặt chân đến đây. Đà Nẵng ấm thật. Hồi ấy tôi còn ngây thơ hỏi bà ngoại rằng vì sao vào đến Đà Nẵng lại hết mùa đông. Bây giờ tôi hiểu, mùa đông Đà Nẵng không hề lạnh trong trái tim của người con sống xa nơi chôn rau cắt rốn. 

Kể từ đó, Đà Nẵng trở thành một phần máu thịt trong tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông Hàn thơ mộng, nơi tôi thả hồn vào những câu chuyện cổ tích thần tiên của bà ngoại. Rồi những chiều tan học, đám học trò chúng tôi đèo nhau ra bờ biển cát trắng xóa thả diều. Đà Nẵng bây giờ đổi thay nhiều lắm, nhưng cái nét giản dị và gần gũi của đất trời, của lòng người thì vẫn mãi vẹn nguyên.

Người ta bảo, có đi qua hai mùa mưa nắng với những cơn bão nhiệt đới dữ dằn mới hiểu hết tính cách người Đà Nẵng. Bởi lẽ, người Đà Nẵng mộc mạc lắm, yêu ghét rõ ràng như nắng với mưa. Người Đà Nẵng mến khách như người nhà, cho dù là bà con, bạn bè hay thậm chí là người qua đường, nếu đã mời vào nhà thì gia chủ đều hết lòng tiếp đãi. Cách đãi khách cũng không hề cầu kỳ về vật chất mà cốt ở tấm lòng. Gia chủ sẽ mời khách bằng những thứ ngon nhất trong nhà. Có khi khách đến bất ngờ, gia chủ còn nhờ khách xuống phụ bếp cùng sau đó tâm sự với nhau bên mâm cơm cho đến khi mệt mới thôi.  

Cái bản tính “mưa nắng” của người dân nơi đây còn thể hiện qua cách cư xử thường ngày, qua những lời khen chê thẳng thắn. Cái thẳng, cái thật đó như ngấm vào máu của người miền Trung nên họ thấu hiểu nhau hơn và sống với nhau rất gần gũi, chân thành. Mưa nắng cũng làm nên nét duyên ngầm của con trai, con gái xứ Đà như một tác giả đã từng viết về con gái Đà Nẵng “giản dị, thẳng thắn, thủy chung”. Chính nét duyên ấy khiến cho bất cứ ai đã từng đi qua mảnh đất này đều không thể nào quên được.

Không biết nhà văn nào đã từng gọi Đà Nẵng là “thành phố đứng đầu ngọn gió”. Nằm sát bờ biển Đông, thành phố này thường xuyên hứng chịu bão lũ triền miên. Nhưng dù có bị giông tố hoành hành, Đà Nẵng vẫn giữ mãi vẻ quyến rũ tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng. Lớn lên bên bờ biển mênh mang, chập chùng sóng vỗ, giữa khung cảnh non nước hữu tình, người Đà Nẵng thừa hưởng nét mặn mà của biển cả và nét khỏe khoắn của núi rừng hùng vĩ. Quen với cái nắng cái gió và những trận bão lũ cứ liên tiếp ùa về, những người con xứ Quảng không hề chùn bước trước khó khăn và luôn hiên ngang đối đầu với phong ba, bão táp. Không thể kể hết những trận bão lũ dữ dội mà Đà Nẵng phải gồng mình gánh chịu và cũng không thể đo được tình người xứ Quảng trong cơn bão giông. Hình ảnh người dân chia nhau từng miếng cơm manh áo, xiết chặt tay nhau trước dòng nước lũ đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết và tình người. Mỗi người con Đà Nẵng đi qua giông tố đều thấm nhuần đức tính kiên cường, nhẫn nại và sự đồng cảm, sẻ chia. Những điều đó đã khiến cho mảnh đất này không bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Và vượt lên tất cả là tình cảm “gừng cay muối mặn” trong tim mỗi người đất Quảng với anh em, bè bạn, xóm làng.

Tôi vẫn thường bảo mùa đông Đà Nẵng không lạnh. Có lẽ vì Đà Nẵng không có mùa đông mà chỉ có hai mùa mưa nắng. Nhưng đối với tôi, Đà Nẵng không bao giờ lạnh vì nơi tôi sống luôn đầy ắp tình người. Đó chỉ là đôi câu chào hỏi của em bé hàng xóm, một tách cà phê nóng cùng một người bạn hay một cái siết tay thật chặt của người yêu thương cũng đủ ấm lòng. 

Là con gái gốc Bắc, tôi rất tự hào vì được gắn bó với vùng đất đầy nắng gió miền Trung, thấm nhuần nét tính cách của người Đà Nẵng. Phải chăng chính cái nét “mưa nắng” đó đã làm nên một “Đà Nẵng tình yêu và nỗi nhớ”, để cho ai đã từng qua đây cũng phải lưu luyến, nhớ thương. Hai mươi năm tôi lớn lên giữa lòng Đà Nẵng, chứng kiến bao nhịp cầu xây lên như đánh dấu sự thay da đổi thịt từng ngày của thành phố đầu biển cuối sông. Đà Nẵng trong tôi gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ êm đềm. Sự chân chất, giản dị mà sâu lắng của thiên nhiên và con người Đà Nẵng gieo vào lòng tôi nỗi xao xuyến, bâng khuâng mỗi lúc đi xa. Để rồi khi lang thang trên đất lạ, chỉ cần nghe một thanh âm xứ Quảng cũng phải ngoái đầu.

Mặc cho bão táp mưa sa và những đổi thay của thời gian, Đà Nẵng vẫn đứng đó, hiên ngang trước sóng gió biển khơi, thách thức mọi khó khăn gian khổ để đi lên kiên cường. Và quê hương Đà Nẵng vẫn mãi dang rộng vòng tay thân thương đón những người con xa xứ trở về với một tình yêu chân thành, mộc mạc không bao giờ phai nhạt. 

Dù đi bất cứ nơi đâu tôi vẫn mang trong tim nỗi nhớ Đà Nẵng không nguôi. Nhớ những con đường đầy nắng gió, nhớ những cây cầu vắt mình qua dòng sông dịu dàng…, nhớ bạn bè, nhớ những người thương. Như lời thơ trong bài “Thương về Đà Nẵng” của tác giả Tân Văn:

Ai xa Ðà Nẵng không thương? 
Ngàn năm tôi vẫn còn vương vấn tình.” 

Vũ Thị Kiều Oanh - danangplus
- Thứ Hai, tháng 3 09, 2015 -    No comments

Cái sảy nảy cái ung, nếu không cẩn thận, hệ quả của các lễ hội không chỉ dừng lại ở sự nhốn nháo mà còn có nguy cơ đẩy dân tộc đến chỗ yếu đuối, tự ti và bạc nhược.

Thất bại khi một dân tộc phải dựa dẫm thánh thần mà đi
Thay vì tiết kiệm, chăm chỉ lao động, nâng cao năng suất, sáng tạo thì tất cả gửi vào nhang khói, đồ mã, tiền tiến cúng và những lời cầu khấn ngây ngô.
Ngày tế, lễ với công dân nhiều quốc gia có văn hóa gần gũi với chúng ta như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… diễn ra thật thanh bình và giản dị. Vào lúc giao thừa, người Đài Loan, Nhật Bản cùng nhau quây quần trong nhà. Sáng sớm, họ tới chùa đánh chuông, cầu mong sự tốt đẹp cho đất nước và người thân. Mọi sự diễn ra thật bình dị, ấm áp và sang trọng. Họ tin vào những gì họ có và tin vào ngày mai, cho dù Nhật là quốc gia nằm ở chỗ vỏ Trái đất yếu nhất, chịu rủi ro cao nhất nhưng phong thái của họ toát lên một vẻ ung dung tự tại.

Lễ hội là tấm gương phản chiếu thái độ sống của một dân tộc. Cứ đến ngày tết và các lễ sau tết, ngày thi cử thì cả đất nước ta sôi lên sùng sục. Mọi người đổ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu xin sự phù hộ của thánh thần. Có rất nhiều người đi hàng chục ngôi chùa, rủ nhau trở thành hội đi chùa, tạo ra một mùa hành hương. Trong số đó có không ít quan chức nhà nước đi miếu, chùa bằng xe biển số xanh, nhất là các bà vợ của họ. Họ dâng sớ cầu xin đủ thứ trên đời, nào cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự và cả những thứ “độc địa” khác nữa. Hàng triệu con người bỏ thời gian đi tới những nơi được coi là linh thiêng với thái độ hối hả, lo lắng, sợ sệt, tự ti chen lẫn khoe mẽ. Nhiều tỉ đồng tan thành mây khói nuôi dưỡng cho niềm tin mơ hồ nhưng rất mãnh liệt. Lễ hội ở các nơi trên thế giới có thể đông nhưng bát nháo như ở ta thì cực hiếm. Chúng đan xen rất nhiều thái cực và nhiều tâm thế. Ngoài ái, ố, hỉ, nộ ra thì còn biết bao nhiêu chuyện bi hài khác diễn ra trong lễ hội. Người hoan hỉ khi cướp được lộc thánh, người đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả mất mạng. Giá như mọi người biết rằng “lộc thánh” như miếng vải có ấn triện đỏ đỏ, hoa tre là bùi nhùi ở đầu thanh tre, tiền của chúa là những miếng giấy bản được in mệnh giá thủ công,… nào đâu phải của “thánh”, của “chúa” mà chỉ là do một ai đó người trần mắt thịt tạo ra. Rất có thể trong số họ chả thiếu người bất hảo đã hà hơi thêu dệt nên ảo ảnh, được những người có thế lực tiếp tay đẩy lên thành thứ “thiêng”.

Hối hả, giành giật, chen chúc, xô xát, chặt chém, lừa lọc, chửi bới, hối hận, cay cú, máu me,… là trạng thái tâm thần của lễ hội chúng ta. Từ “phụ mẫu của dân” đến tất cả con dân của một đất nước phải vin vào thánh thần mà đi tới tương lai thì quả thật đất nước đang có vấn đề, vượt ra khỏi tâm linh trong sáng mà chuyển sang một trạng thái cực đoan khác. Không thể kéo dài tình trạng này được nữa, những người có trách nhiệm cần phải có nhận thức đúng, phải có thái độ đúng và hành xử đúng.

Bác Hồ nói một quốc gia dốt là một quốc gia yếu, mà u mê là một biểu hiện của dốt nát. Một dân tộc dựa dẫm thánh thần không thể nào là một dân tộc mạnh khỏe.